Bán gỗ tròn, gỗ nguyên cây thì thuế suất thuế GTGT là bao nhiêu?

Theo hướng dẫn tại văn bản số 12571/BTC-TCT ngày 08/9/2014 và văn bản số 2038/TCT-CS ngày 17/05/2017 của Tổng Cục thuế, đã xác định: “sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”.

Các văn bản trên cũng nêu rõ định nghĩa gỗ tròn theo khoản 1 điều 3 Thông tư số 88/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

“1.Gỗ tròn: bao gồm gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên (kể cả gỗ nguyên khai còn có gốc, cành, lá mà đường kính sát gốc từ 10cm đến dưới 20cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính sát gốc từ 20cm trở lên, chiều dài từ 30cm trở lên). Riêng đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không phân biệt kích thước”.

Như vậy, thuế GTGT của sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây theo định nghĩa trên, sẽ được xác định theo các khâu như sau:

-         Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

-         Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

-         Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

-         Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như: gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

 Ví dụ:

Công ty Gỗ B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua gỗ tròn của cá nhân trực tiếp trồng bán ra, thì ở khâu thu mua của cá nhân này gỗ tròn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp 1: Công ty Gỗ B bán gỗ tròn cho Công ty XNK C thì Công ty Gỗ B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gỗ bán cho Công ty XNK C.

Trường hợp 2: Công ty Gỗ B bán gỗ cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bàn, ghế) thì Công ty Gỗ B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gỗ bán cho Công ty TNHH D.

Trường hợp 3: Công ty Gỗ B bán trực tiếp bàn, ghế cho người tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 10%.

Xem các văn bản hướng dẫn của Tổng Cục thuế:

1.      Văn bản số 12571/BTC-TCT ngày 08/9/2014.

2.      Văn bản số 2038/TCT-CS ngày 17/05/2017.

3.      Văn bản số1170/TCT-CS ngày 05/04/2018.